TÌM HIỂU CHỨNG KHOÁNKIẾN THỨC

Room tín dụng là gì?

Room tín dụng là gì?

Room tín dụng là hạn mức cho vay mà một ngân hàng có thể cung cấp. Hạn mức này được quy định bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và áp dụng cho toàn bộ ngành ngân hàng. Mỗi ngân hàng sẽ được phân bổ hạn mức room tín dụng tùy theo định hướng tăng trưởng tín dụng của mỗi năm. Điều này đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ cho vay của các ngân hàng.

Khái niệm “room tín dụng” đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, nó chính thức được áp dụng tại thị trường Việt Nam vào năm 2011. Đây là thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn biến động đáng kể với mức lạm phát vượt qua ngưỡng cao nhất. Với mục đích hạn chế tình trạng lạm phát, Ngân hàng Nhà nước công bố “room tín dụng”, từ đó quy định giới hạn cấp tín dụng cụ thể cho các ngân hàng thực hiện. Việc này giúp đảm bảo rằng các ngân hàng tuân thủ các quy định và giới hạn được quy định trước, từ đó giúp cân bằng và duy trì sự ổn định của thị trường tín dụng.

Vào mỗi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố room tín dụng cho toàn bộ các ngân hàng để quy định về mức độ tăng trưởng tín dụng tối đa. Mỗi ngân hàng sẽ có một hạn mức room tín dụng nhất định. Hạn mức này sẽ được thay đổi, phụ thuộc vào chủ trương, định hướng tăng trưởng tín dụng của mỗi năm.

Tăng trưởng tín dụng là gì?

Theo nghiên cứu của Lane P. R., McQuade P. (2014) thì tăng trưởng tín dụng là một sự gia tăng trong giá trị dư nợ cho vay trong khu vực tư nhân (là các cá nhân và các tổ chức). Một khi quy mô tín dụng gia tăng, khách hàng có thể vay tiền được nhiều hơn để sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng là sự tăng lên của các khoản tín dụng do các ngân hàng cung cấp cho các tổ chức và các cá nhân trong nền kinh tế. Việc ngân hàng gia tăng các khoản tín dụng là điều rất cần thiết để để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về vốn của các tổ chức và các cá nhân trong tiến trình phát triển của xã hội.

Theo góc độ tính toán, tăng trưởng tín dụng là tỷ lệ phần trăm tăng lên (hoặc giảm xuống) của giá trị tiền tệ mà ngân hàng cung cấp cho cho các cá nhân, tổ chức khác của mình trong nền kinh tế ở kỳ này với kỳ trước. Tín dụng tăng trưởng dương, thì nền kinh tế có thêm lượng cung tiền tương ứng được lưu thông dưới dạng bút tệ. Nếu, tín dụng tăng trưởng âm biểu hiện một xu hướng eo hẹp hơn trong dòng cung tiền kéo theo tác động nhất định đến kinh tế.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng là mức cho vay tối đa mà các ngân hàng có thể phát hành, và đó là một cách để kiểm soát lượng tín dụng trong quá trình thực hiện chính sách tiền tệ hạn chế. Kiểm soát hạn mức tín dụng được chia thành kiểm soát toàn bộ quy mô tín dụng và kiểm soát một phần số tiền cho vay. Trong trường hợp nhu cầu tín dụng quá mức, để kiểm soát lượng tín dụng, cơ quan tiền tệ hạn chế nguồn cung tín dụng của các ngân hàng thương mại thông qua các luật và quy định liên quan đến hạn ngạch hoặc hạn ngạch. Hạn mức tín dụng có thể được xác định trên cơ sở dư nợ cho vay trong kỳ gốc cộng với một tốc độ tăng trưởng xác định. Các loại khoản vay khác nhau có thể được xử lý bằng cách khác nhau.

Hàng năm ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ đưa ra hạn mức dư nợ tín dụng phù hợp với mỗi ngân hàng thông qua các yếu tố về quy mô và uy tín của ngân hàng đó.

Ví dụ: Giả sử, đầu năm 2023, ngân hàng A có hạn mức tăng trưởng tín dụng là 10%, với quy mô tín dụng là 100.000 tỷ trong năm 2012. Như vậy, room tín dụng của ngân hàng này trong năm 2023 sẽ là: 100.000 x 110%= 110.000 tỷ.

Nới room tín dụng là gì?

Nới room tín dụng ngân hàng hiểu đơn giản là việc NHNN tăng mức giới hạn cho vay của NHTM. Khi hết room tín dụng thì NHTM không thể tiếp tục cho vay. Lúc này, NHTM sẽ có nhu cầu nới room tín dụng, nhu cầu này có được đáp ứng hay không sẽ được quyết định sau khi NHNN rà soát và kiểm tra.

Vai trò của room tín dụng như thế nào?

Đảm bảo an toàn và ổn định của hệ thống tài chính:

Việc áp dụng room tín dụng giúp ngân hàng Nhà nước đảm bảo an toàn và ổn định của hệ thống tài chính. Bằng cách kiểm soát lượng tiền được cấp cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước có thể đảm bảo rằng ngân hàng không cho vay quá mức, giảm thiểu rủi ro và tăng tính ổn định cho hệ thống tài chính .

Giám sát quy mô tín dụng của các ngân hàng thương mại để hạn chế rủi ro:

Để giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính, ngân hàng nhà nước cần giám sát quy mô tín dụng của các ngân hàng thương mại. Việc áp dụng room tín dụng giúp ngân hàng nhà nước quản lý quy mô tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính.

Cân đối nguồn cung và cầu của tiền tệ để đảm bảo giá cả và lạm phát không bị ảnh hưởng:

Việc quản lý quy mô tín dụng của các ngân hàng thương mại cũng giúp ngân hàng nhà nước cân đối nguồn cung và cầu của tiền tệ. Điều này giúp đảm bảo giá cả và lạm phát không bị ảnh hưởng.

Đảm bảo rằng lượng vốn được phân bổ cho các ngành kinh tế được kiểm soát:

Ngân hàng nhà nước có thể sử dụng room tín dụng để đảm bảo rằng lượng vốn được phân bổ cho các ngành kinh tế được kiểm soát. Điều này giúp quốc gia định hướng tài chính và phát triển kinh tế một cách hợp lý.

Với những lý do trên, việc áp dụng room tín dụng là cần thiết để đảm bảo ổn định và an toàn của hệ thống tài chính, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng cho các ngân hàng thương mại.

Leave a Reply

%d